Xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử

Ngày đăng: 2020-07-10

Ngoài xuất khẩu hàng hóa theo cách truyền thống, hiện nay thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành một kênh xuất khẩu mới mẻ nhưng khá hiệu quả. Nhờ TMĐT, không ít doanh nghiệp (DN) thành công đưa sản phẩm thâm nhập các thị trường, mở rộng hoạt động xuất khẩu trên toàn cầu.

 

 

Cùng với kênh bán lẻ hiện đại, bán lẻ truyền thống, doanh thu bán hàng qua các website, sàn giao dịch, TMĐT cũng ở mức cao. Điều đáng chú ý, hiện nay có khá nhiều DN Việt đang thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các nước qua TMĐT. Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam chỉ rõ, kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới trở thành một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu. 32% DN vừa và nhỏ Việt Nam lên kế hoạch thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.

Bà Ngân Lê – đại diện Công ty Paper Color, một DN Việt Nam bán hàng trên Amazon cho biết, ban đầu đơn vị này chỉ xuất khẩu qua 2 thị trường ngoại. Tuy nhiên, nhờ tận dụng bán hàng qua TMĐT đến nay đã xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên khắp thế giới và vẫn không ngừng mở rộng. Chia sẻ kinh nghiệm bán hàng TMĐT, bà Ngân Lê khẳng định: “Bán hàng toàn cầu giúp DN tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ trên toàn thế giới, tiết kiệm được chi phí bán hàng và tiếp thị, học hỏi cách thức vận hành DN chuyên nghiệp thông qua những phản hồi từ khách hàng”.

Với góc nhìn của Tổng cục Hải quan, thông qua kênh TMĐT, giá trị hàng xuất khẩu từ DN Việt Nam có thể tăng thêm nhiều hơn nữa khi các DN nhỏ và vừa có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp. Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng cố 517.900 DN đã đăng ký, chỉ có khoảng 10.100 DN lớn, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,9%. Số DN vừa và nhỏ chiếm tới 98,1%. Tất cả DN này khó có thể xuất khẩu trực tiếp.

Ông Bernard Tay – Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon khu vực Đông Nam Á cho biết: “Internet bùng nổ, lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ cùng sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã giúp các DN vừa và nhỏ tại đây ứng dụng TMĐT ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất sản phẩm trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài”. Vị này thông tin thêm, kỳ vọng DN xuất khẩu nhiều hơn qua TMĐT, vì vậy Amazon lên kế hoạch hỗ trợ 100 DN vừa và nhỏ Việt Nam đầu tiên tiếp cận với hơn 300 triệu khách hàng của Amazon tại 185 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) thông tin, bắt đầu từ tháng 4/2019 Cục sẽ phối hợp tổ chức chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí trên quy mô toàn quốc cho khoảng 200 DN Việt Nam mỗi đợt. Chương trình góp phần hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nền tảng TMĐT đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, gốm sứ, vật dụng trang trí gia đình, hàng may mặc, thực phẩm khô,…

Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, DN tham gia khóa đào tạo xuất khẩu hàng hóa trực tuyến sẽ được trang bị những kiến thức và thông tin bổ ích về việc bán hàng trên thị trường quốc tế, bao gồm những hướng dẫn từng bước để bắt đầu bán hàng TMĐT, lựa chọn và lên danh sách sản phẩm, quảng bá và tiếp thị, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng, quy trình logistics, kỹ năng quản lý.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh: “Hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu là một trong những mục tiêu trọng tâm của Cục Xúc tiến thương mại. Chúng tôi tích cực hợp tác trang TMĐT nhằm mở ra nhiều cơ hội kinh doanh để hàng hóa của DN thâm nhập thị trường quốc tế”. Theo các nhà quản lý, hiện nay có một số sàn TMĐT thuộc top dẫn đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Qua các sàn TMĐT lớn, DN Việt có thể quảng bá sản phẩm tới 260 triệu DN mua hàng tại 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Theo Báo Đại đoàn kết

VECOM.