Viện Tin học Nhân dân: Một hướng đi mới

Ngày đăng: 2013-08-19

Tại Lễ ra mắt, ông Bùi Mạnh Hải – Chủ tịch VAIP – đã nhấn mạnh sự ra đời của Viện Tin học Nhân dân sẽ góp phần để VAIP phát triển cả bề rộng và bề sâu. Chủ tịch nhắc lại những chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ về vai trò của ICT như là “hạ tầng của mọi hạ tầng” và những hoạt động cả nước cần triển khai về tuyên truyền, xây dựng hạ tầng, đào tạo, hợp tác quốc tế… Chủ tịch cũng lưu ý những công việc Viện cần ưu tiên triển khai, huy động mọi nguồn lực, chú trọng tới công tác tư vấn, phản biện cho các chính sách, pháp luật, chương trình, dự án lớn về ICT của các bộ ngành và các địa phương. Chủ tịch VAIP cũng bày tỏ mong muốn có sự hợp tác, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức và các hiệp hội bạn cho sự phát triển của Viện Tin học Nhân dân.

 

Ông Bùi Mạnh Hải – Chủ tịch VAIP phát biểu khai mạc

Ý tưởng thành lập Viện có từ Ban chấp hành VAIP nhiệm kỳ V (2002 – 2007). Cuối năm 2012, Chủ tịch VAIP đã ký quyết định thành lập Viện. Theo quyết định này, Viện ICT4P là tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập theo mô hình cổ phần. Mục tiêu hoạt động  là thu hút, tập hợp các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực ICT tham gia các hoạt động của Viện, nâng cao uy tín và vị thế của VAIP. Về tổ chức, cơ quan quyết định cao nhất của Viện là Hội nghị các nhà đầu tư. Hội đồng Viện có nhiệm vụ quản lý các hoạt động, Ban kiểm soát giám sát hoạt động quản lý điều hành, Ban lãnh đạo Viện chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động thường xuyên. Viện còn có Hội đồng khoa học và đào tạo, Văn phòng và các đơn vị chuyên môn. Hội đồng Viện do ông Bùi Mạnh Hải làm Chủ tịch, các ủy viên là ông Đỗ Cao Bảo (FIS), Nguyễn Trung Chính (CMC), Nguyễn Long (VAIP), Hoàng Quốc Lập (VAIP), Nguyễn Đình Thắng (Hồng Cơ), Lê Trường Tùng (Đại học FPT). Ông Hoàng Quốc Lập đảm nhận chức danh Viện trưởng và ông Nguyễn Long là Phó Viện trưởng.

 

Viện ICT4P xác định chức năng nhiệm vụ chủ yếu là tư vấn, thẩm định, phản biện xã hội các nhiệm vụ, chương trình, dự án và tham gia xây dựng cơ chế, chính sách liên quan tới ICT; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này; đào tạo giải pháp, công nghệ, kỹ năng chuyên sâu cũng như phổ cập kiến thức về ICT cho toàn xã hội; cung cấp dịch vụ về ICT và hợp tác trong nước và quốc tế.

 

Tại Lễ ra mắt, Viện trưởng Hoàng Quốc Lập nhấn mạnh với ưu thế của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về ICT quy mô toàn quốc, với kinh nghiệm trên 20 năm hoạt động, với tiềm lực đội ngũ đông đảo chuyên gia là hội viên, các Hội Tin học thành viên trên cả nước, Viện Tin học Nhân dân hoạt động theo phương châm “Hợp tác cùng phát triển”.

 

Ông Hoàng Quốc Lập – Viện trưởng Viện Tin học Nhân dân

Viện Tin học Nhân dân là một trong số rất ít mô hình mới ở nước ta hoạt động theo mô hình cổ phần trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo ICT trực thuộc một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Sự thành công của Viện sẽ là động lực cho sự ra đời của những tổ chức tương tự ở những hiệp hội khác, cùng góp phần phát triển khoa học công nghệ, đào tạo và kinh tế xã hội của đất nước trong kỷ nguyên số và kinh tế tri thức.

VECOM

Các bài liên quan:

Tập huấn về thương mại điện tử cho các giảng viên đến từ các trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước trong tháng 6/2014

 

VECOM phối hợp VinEcom tổ chức Khóa học Nâng cao hiệu quả bán hàng trực tuyến

 

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa VECOM và VITIS

 

Du lịch trực tuyến ở Cát Bà sẽ nhảy vọt