Toạ đàm góp ý Dự thảo Nghị định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tác hại rượu bia

Ngày đăng: 2019-09-30

Ngày 27/09/2019 tại Hà Nội, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Viêt Nam đã tổ chức Tọa đàm về Dự thảo Nghị định chi tiết một số điều của luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Tại toạ đàm, các đại biểu đã trao đổi và tham vấn ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp và các chuyên gia về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia để góp phần hoàn thiện và để nghị định được ban hành có tính khả thi cao, tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định và bền vững; đồng thời cũng phù hợp với những nội dung quy định trong Luật Phòng, chống tác hại bia, rượu và các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước đó.

IMG_1351

Ông Nguyễn Văn Việt-Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt nam chủ trì

Về các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hồi đồng chuyên môn Hiệp hội Quảng cáo nêu ý kiến, quy định các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia như Điều 3 Dự thảo Luật là quá chặt chẽ và khó khả thi.

IMG_6438

Theo ông Hùng, tại những địa điểm này, phần lớn những người chỉ dùng một hai lon bia để giải khát, khó có thể gây hại cho cộng đồng lại bị đánh đồng với những đối tượng lạm dụng, say xỉn dễ gây rối.

“Mặt khác với quy định này, các cơ quan quản lý sẽ khó có đủ lực lượng để quan sát, xử lý người uống bia, rượu tại những địa điểm đó như những quy định về xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, xả rác ra đường. Do vậy, ý kiến này đề nghị tại các địa điểm này chỉ cấm tụ tập uống rượu, bia, gây mất trật tự nơi công cộng”, ông Hùng cho hay.

Cũng trong toạ đàm, Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã đưa ra những ý kiến góp ý trong Điều 6.Thực hiện biện pháp ngăn ngừa người mua chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập. tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia trong hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.

Ông Hưng cho hay quy định về quản lý với người mua rượu trên mạng mà chỉ dựa trên độ tuổi là thiếu tính chặt chẽ. Cũng bởi người mua có thể không khai thật thông tin, nên nếu không có cơ chế kiểm tra, như việc mở tài khoản trên Facebook có thể khai thông tin không chính xác về độ tuổi thì sẽ không quản lý được.

IMG_7759

Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch VECOM phát biểu

Do đó, ông Hưng đề xuất cần có ứng dụng kiểm tra danh tính cá nhân, để mua được rượu trên môi trường trực tuyến phải vượt qua được cửa ải “định danh cá nhân”. Đồng thời với việc mua rượu bia trên mạng, cần phải kiểm soát chặt từ phương tiện thanh toán: “Đơn vị bán rượu bia trên mạng chỉ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt – liên kết với tài khoản thanh toán qua ngân hàng, tín dụng tại thời điểm giao kết hợp đồng thì cũng sẽ quản lý được độ tuổi”  – Ông Hưng nhất chí về điều 6.4 trong dự thảo nghị định.

Đặc biệt ở Điều 6.6: Bên giao hàng có trách nhiệm kiểm tra tuổi của người nhận hàng bảo đảm người nhận hàng phải từ 18 tuổi trở lên. Ông Hưng nhấn mạnh đây là điều bất hợp lý, khó có thể thực hiện vì đó là trách nhiệm của người mua, không thể có đủ thời gian, nguồn lực để kiểm tra được điều này.

Toạ đàm có sự góp mặt của đại diện đến từ các doanh nghiệp cũng thảo luận về các nội dung như quy định về quảng cáo kỹ thuật số; về việc dán tem rượu; quản lý rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; một số quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép cũng như đăng ký… để tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh bia, rượu phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, đẩy lùi hàng lậu, hàng nhái, hàng giả; đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

VECOM