Thương mại điện tử năm 2015 sẽ phát triển mạnh trên nền tảng di động

Ngày đăng: 2015-03-13

Việt Nam là quốc gia có lượng tăng trưởng người dùng di động nhanh nhất thế giới với 266%, chỉ sau Columbia với 278%. Trong hơn 130 triệu thuê bao thì có tới 20% người dùng sử dụng bằng thiết bị smartphone. Theo số liệu U.S Census Bureau công bố, thời gian online bằng thiết bị di động chiếm tới 1/3 số thời gian online cả ngày của người Việt. Với những tiềm năng về thị trường, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì trước làn sóng này?

 

 

Bán hàng B2C

Hiện nay, người tiêu dùng sử dụng điện thoại đi động để tìm kiếm sản phẩm trước và sau khi thực hiện mua hàng ngày càng nhiều. Khi người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động với phần mềm ứng dụng trên thiết bị để tìm kiếm, truy cập, so sánh và mua sắm hàng hóa thì giải pháp di động đang trở thành một kênh kinh doanh quan trọng cho ngành bán lẻ. Thống kê từ các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu cho thấy, các nhà bán lẻ đang cố gắng thích nghi với khuynh hướng TMĐT trên nền tảng di động.

 

Không chỉ tích cực giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các chương trình khuyến mại trên môi trường mua sắm di động, các doanh nghiệp bán lẻ còn đầu tư thiết kế các ứng dụng đi động riêng cho thương hiệu của mình. Theo khảo sát gần đây cho thấy, TMĐT trên nền tảng di động đang thực sự từng bước đi sâu vào trong lĩnh vực bán lẻ với vai trò chuyển đổi từ kênh liên lạc sang vai trò kênh tương tác giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

 

Sàn C2C

Một mô hình TMĐT khác hiện đang phổ biến tại Việt Nam là Sàn giao dịch TMĐT cũng đang có bước chuyển mình để định hướng đầu tư vào nền tảng di động. Các ứng dụng xoay quanh mô hình C2C được chia làm 2 nhóm chính: 1) Nhóm các doanh nghiệp phát triển giải pháp di động dựa trên nên tảng cộng đồng người tiêu dùng đã có sẵn trên các nền tảng web; 2) Nhóm các doanh nghiệp chưa có tập khách hàng sẵn mà tận dụng lợi thế phát tán nhanh của nền tảng di động để quảng bá ứng dụng và xây dựng công đồng người mua và bán.

 

Dịch vụ Ngân hàng – thanh toán trên di động

Thị trường thanh toán trực tuyến trên di động tại Việt Nam có tiềm năng phát triển, ngoài các điều kiện thuận lợi về môi trường, còn xuất phát từ thực tế phần lớn người dùng Việt Nam có nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển tiền, chiếm tới 45% dân số.

 

 

Ngày càng có nhiều ngân hàng triển khai dịch vụ ngân hàng di động, năm 2014 có trên 30 ngân hàng tham gia thị trường này. Dịch vụ ngân hàng cho phép khách hàng sử dụng các dịch vụ từ đơn giản như tra cứu số dư tài khoản, thanh toán hóa đơn điện tử, mua các loại thẻ trả trước như thẻ điện thoại, thẻ game đến các giao dịch phức tạp như chuyển khoản trong cùng một hệ thống ngân hàng. Với ưu điểm nhiều tiện ích, ngân hàng trên di động là một xu hướng thanh toán quan trọng, góp phần hoàn thiện hạ tầng thanh toán cho TMĐT tại Việt Nam.

 

Dịch vụ tương tác trên di động

Dịch vụ đặt chỗ taxi là dịch vụ mới mẻ ở Việt Nam. Mặc dù mới mẻ nhưng các dịch vụ như Uber, Grabtaxi, Easytaxi,…đã có một lượng khách hàng thường xuyên tương đối đáng kể, cạnh tranh với dịch vụ taxi truyền thống.

 

Ứng dụng, trò chơi trên di động

Số lượng ứng dụng tại Việt Nam trên các chợ ứng dụng Việt Nam còn ít, mới chỉ có hơn 2000 ứng dụng, nhưng được cộng đồng đón nhận với nhiều ứng dụng được đánh giá cao và lượt tải về lớn. Trong năm 2014, hoạt động hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng di động tại Việt Nam cũng được triển khai điển hình là chương trình Tỷ phú ứng dụng Nokia – Microsoft triển khai với giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng cho ứng dụng đạt giải nhất.

 

 

Trong các hình thức kinh doanh ứng dụng trên thiết bị di động, trò chơi di động là ứng dụng mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho doanh nghiệp, doanh thu lên tới 60% tổng doanh thu của các ứng dụng Việt. Năm 2014, thị trường trò chơi di động tại Việt Nam ghi nhận con số ấn tượng về doanh thu với 210 triệu USD, tăng 75% so với năm 2013.