Chính thức ra mắt bản đồ số Việt Nam – Vmap

Ngày đăng: 2019-10-02

Sáng 1/10, tại Hà Nội đã diễn ra “Lễ ra mắt nền tảng Bản đồ số – Vmap và Hệ thống thông tin nhân đạo – iNhandao” trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến tham dự sự kiện này. Bản đồ số cho người Việt-Vmap được nhiều doanh nghiệp Việt kì vọng sẽ ứng dụng lớn trong việc quản lý và kinh doanh, nhất là trong thương mại điện tử.

Một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia chính là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ. Để chủ động trong quản lý nguồn dữ liệu đó, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của người dùng Việt mà các nền tảng sẵn có hiện chưa đáp ứng được, Việt Nam cần  xây dựng một bản đồ trực tuyến của riêng mình.

Với mạng lưới lưới hơn 12.000 điểm phục vụ cùng hơn 50.000 lao động trải rộng tới tận cấp xã, thôn bản và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cùng kinh nghiệm thu thập dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, Bưu điện Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” – Vmap. Đây chính là kết tinh của trí tuệ Việt Nam trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Để thu thập dữ liệu bản đồ, trong hơn 3 tháng, hơn 120.000 nhân viên Bưu điện và đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã tích cực tới từng khu phố, thôn bản để thu thập thông tin. Thông qua Smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi nhân viên đã thu thập tên địa chỉ (hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm…); địa chỉ chi tiết của địa điểm (số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ… ).

Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn và https://vmap.vn.

Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, đặc điểm riêng của vùng nông thôn Việt Nam là không có địa chỉ rõ ràng về số nhà, đường phố… Với Vmap, các doanh nghiệp logistics sẽ được hỗ trợ rất lớn, từ đó, hỗ trợ rất lớn cho lĩnh vực thương mại điện tử.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, Vmap cung cấp bản đồ số riêng cho người Việt, với đặc thù hiển thị chi tiết tới từng địa điểm dù ở thành thị hay miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng khuyến nghị bản đồ số không phải là lĩnh vực mới khi rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài – những gã “khổng lồ” công nghệ đang chiếm lĩnh thị trường.

“Hiện tại các ngành thương mại, dịch vụ, nhất là thương mại điện tử, một lượng lớn người dùng sử dụng trên điện thoại di động. Do đó, để Vmap có thể phát triển mạnh, mở rộng và ứng dụng nhiều hơn cần củng cố thêm về công nghệ để hoạt động tốt, tiện dụng cả trên điện thoại thông minh”, ông Hưng nêu ý kiến.

Phát biểu tại buổi ra mắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ bản đồ số Vmap là một trong những hạt giống mới nảy mầm – sản phẩm bước đầu của Hệ tri thức Việt số hóa.

“Điều chúng ta cần làm là cái cây bắt đầu nảy mầm, thì phải tiếp tục được chăm bón. Quá trình chăm bón để đơm hoa kết trái còn rất dài. Đây cũng là mong muốn của những người tham gia đề án này. Chúng tôi mong muốn có nhiều bàn tay tham gia công tác sức chăm sóc cho bản đồ số Việt Nam-Vmap, Hệ thống thông tin nhân đạo – iNhandao nói riêng và hệ i-chữ Việt nói chung phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Để tạo lập một nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu bản đồ của người Việt, do người Việt chung tay xây dựng, phục vụ cộng đồng, Vmap rất cần sự ủng hộ của các đơn vị, người dùng trong việc ứng dụng bản đồ số vào cuộc sống. Đồng thời chia sẻ, đóng góp dữ liệu thông tin chính xác để vừa gia tăng địa chỉ, vừa đảm bảo chất lượng dữ liệu ở mức tốt nhất./.