VECOM ký kết thỏa thuận hợp tác với Dự án phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động thực vật hoang dã

Ngày đăng: 2019-09-04

Ngày 08/08/2019, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chính thức ký thoả thuận hợp tác với Dự án phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động thực vật hoang dã (USAID Saving Species) với mục tiêu tăng cường phòng, chống buôn bán các loài hoang dã trong môi trường kinh doanh trực tuyến.

Tội phạm về buôn bán các loài  hoang dã trên quy mô toàn cầu đang gia tăng với tốc độ chóng mặt và đã tới mức khủng hoảng – ước tính thị trường buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã lên đến  20 tỷ USD mỗi năm, gây đe dọa nghiêm trọng tới các loài hoang dã, sự cân bằng của hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của nền kinh tế – xã hội. Đông Nam Á là một khu vực trọng điểm về buôn bán các loài hoang dã với vai trò là nơi tiêu thụ, trung chuyển và cung cấp trái pháp luật các sản phẩm từ các loài hoang dã. Trong mười năm qua, tình trạng buôn bán và tiêu trái pháp luật sừng tê giác và ngà voi châu Phi ở Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng, cùng với đó là mức độ tiêu thụ các loài tê tê, mèo lớn và các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác cũng tăng cao.

Buôn bán các loài hoang dã – bao gồm săn bắt và buôn bán trái pháp luật các loài động vật biển và động vât trên cạn – là một trong những mối quan tâm hàng đầu về đa dạng sinh học của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động thực vật hoang dã do USAID tài trợ (USAID Saving Species) được Công ty Tetra Tech thực hiện phối hợp với Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự án sẽ phối hợp với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để thực hiện các mục tiêu sau: (1) Tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm; (2) Cải thiện và thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tội phạm các loài hoang dã; và (3) Giảm nhu cầu và tiêu thụ bất hợp pháp các loài hoang dã cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ các loài hoang dã.

Hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử tại Việt Nam, tình trạng buôn bán trái phép các loài hoang dã trên môi trường trực tuyến cũng gia tăng. Theo thống kê của Traffic từ 1 tháng 6 đến 1 tháng 7 năm 2016 có khoảng 180 tin quảng cáo rao bán động thực vật hoang dã trên các website thương mại điện tử trong đó có 62% là những loài bị nghiêm cấm buôn bán theo Công ước về Thương mại Quốc tế các loài Động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Tội phạm đang lợi dụng các trang web thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát và mạng xã hội để buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã. Điều này làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của lĩnh vực thương mại điện tử trong cuộc chiến chống lại loại tội phạm này trên internet.

 

Nguồn ảnh: Brian Snelson 

 

Mục tiêu hợp tác giữa VECOM và Dự án USAID Saving Species là nhằm hỗ trợ, thúc đẩy trách nhiệm xã hội và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán trái phép và giảm thiểu việc tiêu thụ động, thực vật hoang dã, đồng thời nhấn mạnh mối liên kết giữa đạo đức kinh doanh, giá trị của thương hiệu và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Qua hoạt động này, VECOM cũng thể hiện vai trò lãnh đạo tiên phong trong nỗ lực giải quyết nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã tại Việt Nam thông qua cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử.

 

 

Theo Thỏa thuận, VECOM sẽ hỗ trợ Dự án USAID Saving Species tuyên truyền và và khuyến khích thay đổi hành vi, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động, thực vật hoang dã cũng như tuân thủ pháp luật bảo vệ các loài hoang dã trong công đồng doanh nghiệp thương mại điện tử bằng việc lồng ghép tin tức, hoạt động của dự án vào bản tin điện tử của VECOM, website www.vecom.vn., Fanpage, tạp chí Thương gia thị trường và thông qua các buổi tập huấn tại doanh nghiệp Hội viên.

 

Trước đó, tháng 1/2019, VECOM cũng đã phối hợp với dự án USAID Saving Species lồng ghép các nội dung về phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trong 2 cuộc họp thường niên của VECOM tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại hai buổi hội thảo, đại diện của Dự án đã giới thiệu và cung cấp các thông tin về các nguy cơ pháp lý, giảm sút uy tín hoặc lợi nhuận do tội phạm buôn bán các loài hoang dã trên mạng internet có thể gây ra cho các doanh nghiệp. Đã có 42 doanh nghiệp đã ký kết cam kết không sử dụng trái pháp luật động, thực vật hoang dã và các sản phẩm của chúng. Ông Nguyễn Thành Hưng, Tổng Thư ký VECOM khẳng định: “Bản thân tôi cam kết và cũng khuyến khích các thành viên của VECOM cam kết và chuyển các thông điệp tới đối tác và khách hàng để không sử dụng sản phẩm từ các loài hoang dã”.

Viết bình luận của bạn