Thương mại điện tử với dịch vụ Logistics và chuyển phát

Ngày đăng: 09/01/2021 16:45:00

Có thể phân chia sản phẩm mua bán trực tuyến thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các sản phẩm vô hình có thể số hóa được, chẳng hạn như nhạc, phần mềm máy tính, trò chơi trực tuyến… Nhóm thứ hai là các sản phẩm hữu hình, có trọng lượng và thể tích, không thể số hóa được, chẳng hạn như ô tô, tủ lạnh, quần áo, máy tính… Dịch vụ logistics và chuyển phát là một mắt xích then chốt khi mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình.

Nhu cầu nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics và chuyển phát hỗ trợ thương mại điện tử

Thương mại điện tử ở Việt Nam đã hình thành từ đầu những năm 2000 và phát triển khá nhanh trong vài năm gần đây.

Hàng năm Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tiến hành khảo sát các doanh nghiệp và các đối tượng liên quan tới thương mại điện tử trên phạm vi cả nước. Trong thập kỷ trước, những khó khăn lớn tác động tới sự phát triển thương mại điện tử là hạ tầng pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin và Internet và nguồn nhân lực. Từ năm 2011 tới nay, kết quả khảo sát cho thấy dịch vụ logistics và chuyển phát ở Việt Nam mặc dù đã phát triển khá nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thương mại điện tử.

 

Chỉ số Thương mại điện tử giúp phân tích nhiều yếu tố tác động tới sự phát triển của thương mại điện tử trên cả nước cũng như ở các địa phương

 

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet ở Việt Nam những năm gần đây đã tạo đà cho sự phát triển nhanh chóng của mua bán trực tuyến sản phẩm số hóa. Tuy nhiên, với hàng hóa là các sản phẩm hữu hình, dù cho các khâu tìm kiếm sản phẩm, giao kết hợp đồng, thanh toán… có thể thực hiện trên môi trường trực tuyến nhưng công đoạn giao hàng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng gắn chặt với dịch vụ logistics và chuyển phát.

Tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát khá cao trong giá bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình là một trong các yếu tố dẫn tới giá mua hàng trực tuyến chưa thấp hơn đáng kể so với mua theo phương thức truyền thống. Đồng thời, chất lượng của dịch vụ chuyển phát chưa cao. Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin năm 2013 về những trở ngại trong mua sắm trực tuyến, có tới 40% người tiêu dùng cho biết giá mua trực tuyến không thấp hơn so với mua trực tiếp. Một mặt, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử phải tự triển khai dịch vụ giao hàng. Mặt khác, người tiêu dùng còn e ngại về thời gian giao hàng chưa đúng cam kết, khó truy tìm định vị hay trả lại hàng đã mua. Cũng theo kết quả khảo sát trên, có 38% người tiêu dùng đánh giá dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới việc mua hàng trực tuyến chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng.

Văn bản pháp luật về dịch vụ logistics và chuyển phát

Mua bán trực tuyến sản phẩm hữu hình trong nước cũng như qua biên giới liên quan chặt chẽ với dịch vụ logistics và chuyển phát. Tới nay đã có các văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện kinh doanh hai loại hình dịch vụ này.

* Dịch vụ logistics

Điều 233 Luật Thương mại đã xác định dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày  05  tháng  9  năm 2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc. Nghị định này phân loại dịch vụ logistics thành 3 nhóm. Nhóm 1 là các dịch vụ lô-gi-stíc chủ yếu, bao gồm: a) Dịch vụ bốc xếp hàng hoá, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container; b) Dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị; c) Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa; d) Dịch vụ bổ trợ khác, bao gồm cả hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi lô-gi-stíc; hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua container.

Nhóm 2 là các dịch vụ lô-gi-stíc liên quan đến vận tải, bao gồm: a) Dịch vụ vận tải hàng hải; b) Dịch vụ vận tải thuỷ nội địa; c) Dịch vụ vận tải hàng không; d)  Dịch vụ vận tải đường sắt; đ) Dịch vụ vận tải đường bộ; e) Dịch vụ vận tải đường ống.

Nhóm 3 là các dịch vụ lô-gi-stíc liên quan khác, bao gồm: a) Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật; b) Dịch vụ bưu chính; c) Dịch vụ thương mại bán buôn; d) Dịch vụ thương mại bán lẻ, bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng; đ) Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

* Dịch vụ chuyển phát

Dịch vụ chuyển phát thông tin dưới dạng văn bản và dịch vụ chuyển phát kiện, gói hàng hóa tại Việt Nam được quy định chi tiết tại Nghị định số 128/2007/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về dịch vụ chuyển phát. Theo Nghị định này, dịch vụ chuyển phát là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn thu gom, chia chọn, vận chuyển và phát, bằng các phương tiện vật lý, thông tin dưới dạng văn bản và kiện, gói hàng hóa.

Dịch vụ chuyển phát thông tin dưới dạng văn bản bao gồm cả dịch vụ chuyển phát có lai ghép (có sự kết hợp với phương tiện điện tử) và dịch vụ chuyển phát thông tin quảng cáo trực tiếp (ấn phẩm có nội dung quảng cáo, được gửi tới nhiều địa chỉ).

Chuyển phát nhanh là dịch vụ chuyển phát có yếu tố nhanh về thời gian và có độ tin cậy cao. Chuyển phát nhanh còn gồm các yếu tố giá trị gia tăng khác như thu gom tại địa chỉ người gửi, phát tận tay người nhận, truy tìm và định vị, khả năng thay đổi nơi nhận và địa chỉ nhận trong khi đang vận chuyển, báo phát và các yếu tố giá trị gia tăng khác.

Quyết định số 22/2007/QĐ-BBCVT ngày 02 tháng 08 năm 2007 dành riêng cho Bưu chính Việt Nam việc cung ứng dịch vụ thu gom, chia chọn, vận chuyển và phát, bằng các phương tiện vật lý, thông tin dưới dạng văn bản có địa chỉ nhận (bao gồm cả dịch vụ chuyển phát có lai ghép và dịch vụ chuyển phát thông tin quảng cáo trực tiếp), có khối lượng đơn chiếc không quá hai (02) kilôgam và với mức giá cước thấp hơn:

– 8.000 VNĐ/chiếc đối với dịch vụ chuyển phát trong nước và đối với công đoạn phát trong lãnh thổ Việt Nam của dịch vụ chuyển phát quốc tế chiều đến;

– 150.000 VNĐ/chiếc đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế chiều từ Việt Nam đi nước ngoài.

Phạm vi dành riêng cho Bưu chính Việt Nam không bao gồm việc cung ứng dịch vụ chuyển phát sách, báo, tạp chí và ấn phẩm định kỳ. Bưu chính Việt Nam thực hiện việc cung ứng dịch vụ bưu chính dành riêng theo đúng các quy định pháp luật hiện hành về quản lý giá cước, chất lượng dịch vụ.

Cam kết quốc tế và điều kiện hạn chế kinh doanh

* Dịch vụ logistics

Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 140/2007/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh các dịch vụ logistics chủ yếu đối với thương nhân nước ngoài như sau:

a) Trường hợp kinh doanh dịch vụ bốc dỡ hàng hoá thì chỉ được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%;

b) Trường hợp kinh doanh dịch vụ kho bãi thì được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%; hạn chế này chấm dứt vào năm 2014;

c) Trường hợp kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải thì được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%, được thành lập công ty liên doanh không hạn chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài kể từ năm 2014;

d) Trường hợp kinh doanh dịch vụ bổ trợ khác thì được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%; hạn chế này là 51% kể từ năm 2010 và chấm dứt hạn chế vào năm 2014.

* Dịch vụ chuyển phát

Theo Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ của Việt Nam với WTO, Việt Nam  cam kết không hạn chế về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia đối với dịch vụ chuyển phát nhanh và xử lý các vật phẩm không ghi địa chỉ người nhận. Về vốn góp của của phía nước ngoài trong liên doanh có thể bị hạn chế ở mức 51% trong vòng 5 năm sau khi gia nhập. 5 năm sau khi gia nhập, cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.

Như vậy, tính tới năm 2014 về cơ bản Việt Nam đã tự do hóa cả dịch vụ logistics và chuyển phát.

Quản lý nhà nước về dịch vụ logistics và chuyển phát

Bộ trưởng Bộ Công Thương giao cho Vụ Thị trường trong nước tham mưu quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, trong khi đó Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho Vụ Bưu chính nhiệm vụ tham mưu liên quan tới dịch vụ chuyển phát.

* Vụ Thị trường trong nước

Vụ này có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành: Quy định về phương thức giao dịch và loại hình kinh doanh thương mại hiện đại (Nhượng quyền thương mại, sở giao dịch hàng hóa, sàn đấu giá hàng hóa, trung tâm logistics, bán hàng qua điện thoại, bán hàng qua truyền hình, qua phát thanh..) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

* Vụ Bưu chính

Là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, chuyển phát theo quy định của pháp luật: a) Chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định trình Bộ trưởng khung giá cước hoặc giá cước đối với dịch vụ công ích, dịch vụ dành riêng trong bưu chính, chuyển phát; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất các loại phí, lệ phí trong bưu chính, chuyển phát; b) Xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát; c) Tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ công ích trong bưu chính, chuyển phát; tham gia xây dựng quy định việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ trong bưu chính, chuyển phát; d) Hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của các hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp về bưu chính, chuyển phát.

Nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics và chuyển phát hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử

Mua bán trực tuyến sản phẩm hữu hình gắn chặt với dịch vụ chuyển phát cũng như dịch vụ logistics.

Các doanh nghiệp chuyển phát cần chú trọng tới việc hiện đại hóa quản lý, trang thiết bị, đặc biệt phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực cũng như với các doanh nghiệp logistics. Đồng thời các doanh nghiệp chuyển phát cũng cần chủ động bắt tay với các doanh nghiệp thương mại điện tử, xác định thị phần thương mại điện tử sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hoạt động của doanh nghiệp.

 

Phiên họp Ban Tổ chức lần 1 Ngày mua sắm trực tuyến 2014, với nhiều ý tưởng về khuyến mại giao nhận cho khách hàng mua sắm online

 

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát tiến tới có thống kê tin cậy về dịch vụ logistics và chuyển phát. Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các điều kiện kinh doanh hai loại dịch vụ này cần có các dự báo về thị trường, các chính sách, biện pháp khuyến khích. Dịch vụ logistics và chuyển phát không chỉ liên quan tới Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông mà còn liên quan tới một số bộ ngành khác như Bộ Giao thông vận tải (vận tải, bốc dỡ), Bộ Tài chính (hải quan, thuế) hay Bộ Tài nguyên và Môi trường (kho bãi). Vì vậy, sự phối hợp giữa các bộ ngành trong việc ban hành các chính sách và giải pháp khuyến khích sự phát triển của hai dịch vụ này có ý nghĩa quan trọng.

 

Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển dịch vụ logistics và giám định thương mại trên địa bàn Hà Nội sáng ngày 27/08/2014

 

Các hiệp hội liên quan tới thương mại điện tử, logistics, chuyển phát, vận tải… cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại và chuyển phát ở địa phương cũng cần triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy sự liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp.

VECOM

Viết bình luận của bạn