Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?

Ngày đăng: 2019-10-17

Sáng ngày 17/10/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập” nhằm trao đổi những vấn đề xoay quanh về tư duy soạn thảo và quá trình soạn thảo văn bản pháp luật kinh doanh: là thúc đẩy hay lực cản cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan bộ ngành, các hiệp hội, chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước và các cơ quan thông tấn báo chí.

 

Phát biểu khai mạc, Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, có 10 tiêu chí để đánh giá một văn bản pháp luật tốt là: sự cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tình minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, giảm nguy cơ nhũng nhiễu, đủ tính tiên liệu.

 

 

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, VCCI phát biểu khai mạc

 

Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…

 

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế sẽ có nhiều văn bản pháp luật cần phải xem xét và sửa đổi để phù hợp với các cam kết quốc tế. Luật ban hành các văn bản pháp luật đã có những quy định rất rõ ràng về công khai, minh bạch và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những văn bản được soạn thảo và ban hành chưa theo những quy định này hoặc chưa có đánh giá tác động kinh tế – xã hội của văn bản một cách toàn diện

 

Ông Mark Grillin -Trưởng nhóm Thuế và Hải quan, VBF

 

Ông Mark Grillin, Trưởng nhóm công tác Thuế và Hải quan, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế của mình về những việc nên và không nên trong quá trình soạn thảo chính sách. Theo ông Mark, điểm đầu tiên các nhà soạn thảo chính sách cần lưu ý là xác định những mục tiêu cụ thể khi xây dựng chính sách và thực hiện theo những mục tiêu này. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần xác định các đối tượng liên quan, đảm bảo có sự tham gia của họ trong suốt quá trình xây dựng chính sách, hiểu rõ mức độ ảnh hưởng lợi ích của chính sách đối với các bên liên quan, để loại trừ việc chính sách chỉ phục vụ lợi ích của một hoặc một số nhóm mà gây ra những rủi ro, thiệt hại cho các nhóm còn lại. Từ đó xác định các phương án thay thế, giải pháp phù hợp, tránh các quy định mà thực tế cuối cùng hiệu quả bằng không do lợi ích mà chính sách mang lại đã bị triệt tiêu hoặc thậm chí còn nhỏ hơn những hệ quả không mong muốn mà chính sách gây ra.

 

Bàn về những thách thức của các nhà soạn thảo chính sách khi hội nhập, Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung Tâm WTO và Hội  nhập đưa ra những ý kiến về yêu cầu chung đó chính là tính thống nhất của văn bản pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật cần chiếu tới cam kết quốc tế liên quan. Bà Trang cũng nhấn mạnh: “Không phải mọi vấn đề của pháp luật kinh doanh nội địa đều bị ràng buộc bới các cam kết quốc tế luôn có những trường hợp ngoại lệ”.

 

Tham luận trong buổi hội thảo còn có đại diện các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp: Bà Trần Thị Quang Hồng – Trưởng ban Pháp luât Dân sự và Kinh tế, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp; Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM); Ông Nguyễn Tiến Vỵ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát Việt Nam (VBA); Bà Đào Hồng Dịu – Đại diện công ty Nestle… đã đóng góp tích cực những ý kiến cho quy trình soạn thảo văn bản pháp luât. Kết luận hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật nhất thiết phải công khai, minh bạch dự thảo văn bản để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia góp ý kiến, hạn chế tối đa việc áp dụng các thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiến hành đánh giá tác động kinh tế – xã hội của các văn bản pháp luật và chính sách mới trước khi ban hành để không tạo ra những hệ quả không mong đợi.

VECOM