Hải Phòng: Nhiều cơ hội cho phát triển Thương mại điện tử

Ngày đăng: 2015-11-20

Hải Phòng vốn có xuất phát điểm cao hơn so với nhiều địa phương khác trên cả nước, có nền kinh tế công thương nghiệp được định hình sớm và là một trong những đầu mối giao thương quan trọng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và cả nước. Vì thế, thành phố cảng luôn dồi dào các cơ hội cho phát triển đầu tư kinh doanh, trong đó có Thương mại điện tử (TMĐT).

 

Dân số trẻ, nguồn lợi lớn

Hải Phòng có dân số trẻ, khoảng 1,95 triệu người trong đó có khoảng 1,1 triệu lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. Như vậy, có thể thấy thị trường bán hàng trực tuyến tại Hải Phòng là rất tiềm năng.

 

Không những thế, Hải Phòng còn là một thành phố phát triển nhanh về công nghệ thông tin, internet hay những công nghệ số hóa khác như thiết bị di động, tin học, máy tính, thiết bị di động. Điều này rất thuận lợi cho việc phát triển TMĐT, đặc biệt là mô hình B2B.

 

Là thành phố Cảng, một đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông thuỷ, bộ, đường sắt, hàng không trong nước và quốc tế, là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Điều này càng giúp cho sự phát triển của các doanh nghiệp xuất khẩu khi ứng dụng thương mại điện tử, phát triển hoạt động logictics trên địa bàn thành phố.

 

Hải Phòng rất thuận lợi cho việc phát triển TMĐT, đặc biệt là mô hình B2B.

 

Hải Phòng cũng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống có tuổi nghề trên dưới 200 năm. Ứng dụng thương mại điện tử vào quảng bá sản phẩm làng nghề giúp cho các doanh nghiệp nắm được thông tin phong phú về khách hàng và thị trường, giảm chi phí bán hàng và tiếp thị sản phẩm. Bên cạnh đó còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu đáng kể thời gian và chi phí giao dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập và cũng cố mối quan hệ với khách hàng ở khắp nơi trên thế giới.

 

Có chính sách ưu tiên cho phát triển TMĐT

Vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 984/QĐ-UBND về việc kế hoạch phát triển TMĐT thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 – 2015. Trên cơ sở quyết định này, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các quận, huyện triển khai nhiều hoạt động liên quan tới quản lý, thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử tại địa phương. Các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đều có website, công thông tin riêng, liên tục cập nhật các văn bản đã được ban hành của Trung ương cũng như thành phố. Điều này sẽ giúp ích cho nhiều doanh nghiệp và người dân trong việc tìm hiểu, tra cứu thông tin.

 

Dưới sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của thành phố và Sở Công thương, Trung tâm TMĐT thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai, ứng dụng TMĐT vào sản xuất kinh doanh và nhận được sự quan tâm. Cùng với đó là các hội thảo, khóa học, lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn cho cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp.

 

 

Trung tâm TMĐT thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai, ứng dụng TMĐT

 

Nhiều doanh nghiệp thường xuyên tham gia các hội thảo, các khóa học để nâng cao nhận thức về TMĐT cũng như bồi dưỡng nhân lực phục vụ TMĐT. Nhiều doanh nghiệp đã tham khảo nghiên cứu các văn bản đã được ban hành của thành phố về TMĐT. Đa số các doanh nghiệp đánh giá các dịch vụ công trực tuyến (khai báo thuế điện tử, chữ ký điện tử, khai báo các thủ tục hải quan…) là có ích. Hàng năm có công tác thống kê về thương mại điện tử. Qua đó, có số liệu đánh giá được tình hình phát triển tại địa phương.Từ đó, giúp thành phố có thể đưa ra chính sách phù hợp cho việc phát triển TMĐT.

 

Dẫu vậy, Hải Phòng cũng gặp phải một số những khó khăn khi mà nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là Internet, điện toán đám mây, công nghệ di động chưa thực sự theo kịp xu thế phát triển chung, gây khó khăn trong công tác quản lý. Nhân lực làm công tác quản lý TMĐT của thành phố còn ít, đồng thời nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ về lợi ích của TMĐT nên chưa sẵn sàng bỏ kinh phí, thời gian đầu tư, dù đã nhận sự hỗ trợ lớn từ Trung tâm TMĐT – Sở Công Thương Hải Phòng.

 

Để TMĐT Hải Phòng phát triển hơn nữa là cầu nối giúp kinh tế Hải Phòng hội nhập và phát triển, các cơ quan chức năng của thành phố đã đề xuất nhiều giải pháp trong đó có 3 vấn đề được chú trọng là xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng TMĐT; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về TMĐT; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT.

 

Tạp chí Thương gia và thị trường.