Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2019 đã diễn ra tại Hà Nội

Ngày đăng: 27-03-2019

 

Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt nam (VOBF) là sự kiện thương mại điện tử lớn nhất toàn quốc do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt nam (VECOM) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức, được sự quan tâm cao từ cộng đồng kinh doanh trực tuyến. VOBF 2019 với chủ đề Bứt phá giới hạn (Break the Bound) kỳ vọng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sẽ vượt lên chính mình, cùng nhau trao đổi để tìm ra những cơ hội và mục tiêu mới.

Phát biểu khai mạc, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) nước ta đạt tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2018 được ghi nhận là năm phát triển sôi động của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 30%. Như vậy, với xuất phát thấp từ 4 tỷ USD năm 2013 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng cao, tính đến năm 2018, quy mô thị trường bán lẻ đạt 7,8 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng năm 2019 và 2020 tiếp tục giữ ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ TMĐT sẽ lên tới khoảng 13 tỷ USD cao hơn mức dự kiến nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020. Theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

 

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số phát biểu khai mạc

 

Phiên thứ nhất với tiêu đề “Bùng nổ mua sắm online” thảo luận về xu hướng thị trường thương mại điện tử sẽ mở rộng mạnh mẽ. Năm 2019 là năm bản lề của các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, các hiệp định giao thương được ký kết và sự trưởng thành của công nghệ hỗ trợ kinh doanh trực tuyến. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiến lên bước mở rộng quy mô.

 

Bà Tenzin Dolma Norbhu, Giám đốc Chính sách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Facebook

 

Một điều thú vị được bà Tenzin Dolma Norbhu chia sẻ, Việt Nam được xem là một quốc gia hàng đầu trong việc tạo ra các ứng dụng tương tác mạnh. Trong đó phải kể đến các ứng dụng như Zalo, BeeTalk, Mocha hay mạng xã hội việc làm Vietnamworks… có khoảng 50% dân số thành thị tại Việt Nam đang mua hàng thông qua truyền thông và các mạng xã hội. Bà cũng nhắc đến Zalo, Facebook và Viber đóng vai trò quan trọng đối với thương mại trên mạng xã hội ở Việt Nam.

Phiên thứ hai “Thời gian là Vàng” thảo luận về các vấn đề được đông đảo các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến quan tâm, bao gồm các giải pháp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử trong thời đại nhiều người tiêu dùng mong muốn nhận được sản phẩm đặt mua trực tuyến trong thời gian được tính bằng giờ.

Phiên thứ ba“Sự nổi lên của AI”: trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), và đi động (mobile) đã trở nên phổ biến. Trí tuệ nhận tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo (VR) hay blockchain sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thương mại điện tử nước ta trong năm 2019 và những năm tiếp theo?. Những nội dung này đã được các diễn giả giới thiệu và chia sẻ tại sự kiện.

Cuối cùng là Phiên 4 “Vốn hay Ý tưởng” Khởi nghiệp chưa bao giờ là việc đơn giản, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh trự tuyến. Chủ đề thứ tư “Vốn hay Ý tưởng” sẽ giúp các nhà khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến định hướng được đâu là những điểm tương đồng và khác biệt của khởi nghiệp trong lĩnh vực trực tuyến với lĩnh vực khác? Ngoài ý tưởng sáng tạo, các nhà khởi nghiệp cần môi trường kinh doanh và hỗ trợ nào từ nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp? Phiên khởi nghiệp của VOBF 2019 với sự góp mặt của Ông Trần Anh Vương (Shark Vương), Ông Đạt Phạm-Founder & CEO Fado.vn, Ông Phạm Kim Hùng-CEO Base.vn giúp các nhà khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến định hướng được đâu là yếu tố quyết định trong cuộc phiêu lưu vào cuộc chơi nhiều rủi ro nhưng cũng đầy cơ hội để trở thành những Unicorns mới của Việt Nam.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Kỳ Minh, Uỷ viên Ban Chấp Hành VECOM đã công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) 2019. Chỉ số Thương mại điện tử hàng năm được tổng hợp từ bốn nhóm chỉ số thành phần làm trụ cột lần lượt là: hạ tầng nguồn nhân lực và CNTT (chiếm 20%), giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng B2C (chiếm 35%), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp B2B (chiếm 35%) và chỉ số thành phần giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp (chiếm 10%). Các trọng số điểm này phản ánh tầm quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay.

 

Ông  Nguyễn Kỳ Minh – Uỷ viên Ban chấp hành VECOM giới thiệu Báo cáo Chỉ số TMĐT tại sự kiện

 

Sau 8 năm liên tiếp, EBI đã trở thành nguồn thông tin tin cậy phản ánh tình hình hiện tại, những vấn đề nổi bật và xu hướng phát triển của thương mại điện tử cả nước cũng như từng địa phương, góp phần vào việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh. Dựa trên EBI 2019, VECOM đã đề xuất triển khai Chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025. Giai đoạn một của Chương trình này được triển khai trong 2 năm 2019 – 2020, sẽ huy động nguồn lực để hỗ trợ một số ngành hàng ở các địa phương kinh doanh trực tuyến thành công như: sản phẩm dừa ở Bến Tre, tre ở Thanh Hóa và Nghệ An…

Diễn đàn năm nay quy tụ được nhiều diễn giả từ các tổ chức hàng đầu trong nước và trên thế giới tham dự như: Cục TMĐT và Kinh tế số, Facebook, Tiktok, Nielsen, Lazada, Shopee, Tiki, Sapo, Interspace, Fado, PA Việt Nam, Vinalink, IMGroup, Zalo – VNG, VNPost, Haravan, EMS, Nhân Hoà…… đem đến nhiều giá trị thiết thực cũng như những bức tranh toàn diện cho hàng nghìn đại biểu tham dự sự kiện và đông đảo người quan tâm theo dõi trực tuyến.

Ban Tổ chức cũng trân trọng cảm ơn sự tham gia hỗ trợ của các Nhà tài trợ các đơn vị hỗ trợ cho chương trình: Facebook, Lazada, Shopee, Sapo, Mắt Bão, Fado, PA Việt Nam, VnPost, Nielsen, EMS, Zalo – VNG, Haravan, BSH, Grab, Tiktok, Accesstrade, VN Digital 4.0, Netco, Netnam, Vietguys, Nhân Hòa, VNNIC, Vinalink, IMGroup… giúp cho chương trình thành công tốt đẹp.

Một số hình ảnh tại Diễn đàn:

VECOM

 

 Tags:
Viết bình luận của bạn