Cơ hội bán rượu bia trực tuyến có trở thành hiện thực?

Ngày đăng: 17-12-2019

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (PCTH RB) có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 cho phép các doanh nghiệp được bán rượu bia trực tuyến khi tuân thủ một số điều kiện nhằm giảm tác hại của việc lạm dụng rượu, bia. Điều kiện mua bán rượu bia trực tuyến được quy định tại Điều 16 “Điều kiện bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử”. Điều này quy định việc bán rượu bia phải áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và người bán trực tuyến phải thực hiện biện pháp theo quy định của Chính phủ để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin mua rượu, bia. Ngoài ra, việc kinh doanh rượu còn phải tuân thủ Điều 15 “Quản lý kinh doanh rượu”.

 

 

 

Ngày 26/7/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg phân công Bộ Y tế chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (khoản 2 Điều 9, khoản 7 Điều 10, khoản 6 Điều 12, khoản 3 Điều 26), Bộ Công Thương chủ trì Nghị định quy định quản lý kinh doanh rượu (khoản 5 Điều 15) và trình Chính phủ trong tháng 11/2019. Quyết định này không đặt ra yêu cầu hướng dẫn chi tiết Điều 16 về việc bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã được công bố trên Trang thông tin điện tử Chính phủ. Theo thông tin trên trang điện tử này, tới nay dự thảo đã hết hạn lấy ý kiến đóng góp.

Sáng 10/12/2019, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Về quy định quảng cáo và thương mại điện tử trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia”.

 

Toạ đàm sáng 10/12/2019

 

Trong dự thảo này, việc bán rượu bia trên môi trường trực tuyến được quy định tại Điều 6 “Thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia trong hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử”.

Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và các chuyên gia đã góp ý những quy định tại điều này là không cần thiết và không khả thi, chưa phản ảnh đầy đủ thực tiễn kinh doanh trực tuyến hiện nay. VECOM đề xuất dự thảo chỉ nên quy định các đơn vị kinh doanh rượu bia trực tuyến chỉ được phép bán cho khách hàng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt gắn với tài khoản ngân hàng, có biện pháp hỗ trợ để tránh việc bán cho khách hàng dưới 18 tuổi nhưng vẫn có tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng. Đồng thời, cần bổ sung quy định người bán phải có trách nhiệm theo dõi và báo cáo các cơ quan chức năng những khách hàng có hành vi mua nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định với số lượng lớn.

Quy định như vậy phù hợp với dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (TT KDTM) của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, cá nhân mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng phải có năng lực pháp luật dân sự và hành vi dân sự đầy đủ; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Những trường hợp khác mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. (Điều 16, dự thảo NĐ TT KDTM )

Ngoài ra, với cách xây dựng hai dự thảo Nghị định hiện nay của Bộ Y tế và Bộ Công Thương có thể dẫn đến sự không nhất quán giữa các quy định, tạo ra nhiều thủ tục hành chính. Các chuyên gia và một số doanh nghiệp thương mại điện tử cho rằng cách xây dựng hai dự thảo nghị định như vậy thậm chí có thể ngăn cản trên thực tế việc bán rượu, bia trực tuyến. Nếu các quy định bán rượu, bia trực tuyến chỉ nằm trong một Nghị định của Chính phủ sẽ giúp việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia hiệu quả hơn.

VECOM.

Viết bình luận của bạn