Tê tê sắp bị tuyệt chủng ở Việt Nam sau tê giác?

Ngày đăng: 2019-10-30

Tê tê – hay còn gọi là xuyên sơn, là loài động vật có vú duy nhất trên thế giới có vảy, thường sinh sống ở miền nhiệt đới châu Á và châu Phi. Tê tê là loài thú ăn kiến, các móng vuốt lớn và dài của chúng không chỉ cho phép chúng đào hang dưới lòng đất để trú ngụ và tìm thức ăn, đồng thời cũng giúp xới lên và tạo độ thoáng khí cho đất, giúp cải thiện chất lượng dinh dưỡng của đất và hỗ trợ cho quá trình phân hủy, cung cấp một lớp đất nền tốt cho thảm thực vật tươi tốt phát triển.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết tất cả 8 loài tê tê đang bị đe dọa tuyệt chủng.  Trong 4 loài tê tê châu Á có 2 loài nằm trong Danh lục Đỏ IUCN ở mức cực kỳ nguy cấp (EN), cụ thể tại Việt Nam có hai loài tê tê: tê tê vàng (Manis pentadactyla) và tê tê Java (Manis javanica). Cả hai loài tê tê đều được bảo vệ ở mức độ cao nhất theo quy định của pháp luật hiện nay.

 

Tê tê – loài thú ăn kiến sinh sống ở miền nhiệt đới châu Á và châu Phi (Ảnh: Internet)

 

Nhu cầu về các sản phẩm làm từ tê tê ngày càng tăng cao

Tình trạng buôn bán tê tê ngày càng nghiêm trọng trên khắp Đông và Đông Nam Á do bị thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu thụ thịt, vảy và hơn thế nữa là các bộ phận cơ thể của tê tê dùng làm đồ trang sức.

Ở Việt Nam, thịt tê tê được coi như một loại đặc sản. Ngoài ra, các món đồ trang sức làm từ tê tê được sử dụng để khẳng định đẳng cấp của người dùng; bào thai và máu của tê tê được dùng trong các nghiên cứu về y học,v.v..

Chính những hành vi trên đã làm “bình thường hóa” việc săn bắt và tiêu thụ tê tê ở Việt Nam, khiến cho mọi người chưa có cái nhìn chính xác về tình trạng nguy cấp của loài tê tê trước bờ vực tuyệt chủng. Đồng thời, những vụ vi phạm về buôn bán tê tê trái phép chưa được áp dụng các chế tài xử phạt mạnh mẽ, nghiêm khắc nên chưa tạo được tính răn đe.

 

Vảy tê tê – tang vật thu được trong một vụ bắt giữ (Ảnh: Internet)

 

Việt Nam là điểm trung chuyển chính về buôn lậu tê tê

Phần lớn những giao dịch liên quan đến tê tê ở Việt Nam là buôn lậu sang Trung Quốc. Nhiều vụ bắt giữ đã thu được số lượng lớn tang vật là tê tê nguyên con và vảy tê tê đang trên đường vận chuyển sang Trung Quốc dưới tên các loại hàng hóa khác như đồ gỗ, cá, thực phẩm,v.v…

Từ năm 2003-2019, 5,853 con tê tê và 35.15 tấn vảy tê tê đã bị thu giữ tại Việt Nam. Những vụ bắt giữ trên cho thấy có khoảng 22,019 cá thể tê tê đã bị săn bắt, và buôn bán trái phép. Đặc biệt, nhiều vụ bắt giữ buôn lậu tê tê ở nước ngoài có liên quan đến Việt Nam, ước tính khoảng 43,471 cá thể tê tê đã bị đem ra buôn bán. Những vụ bắt giữ ở Việt Nam thường liên quan đến đường dây buôn bán tê tê từ các nước châu Phi đến các quốc gia trung chuyển như Ni-giê-ri-a, Công-gô, Lào, Indonesia,v.v…

Việt Nam cần làm gì để bảo vệ tê tê

Để ngăn chặn nạn buôn bán tê tê đang có nguy cơ tuyệt chủng, rất cần có sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói riêng cũng như Chính phủ các nước nói chung, cần có những hành động mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn tội phạm buôn lậu hoạt động xuyên biên giới.

Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cũng đang cùng với Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ – USAID – tài trợ) phối hợp tuyên truyền, lan rộng những thông tin về sự nghiêm trọng và cấp bách của việc bảo vệ tê tê hiện nay cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài hiệp hội cùng tham gia chung tay ngăn chặn tình trạng buôn bán trái pháp luật loài động vật hoang dã này.

Tháng 1/2019, tê tê đã được Chính phủ Việt Nam đưa vào danh mục IB: các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Theo đó các hình phạt liên quan tới vi phạm về buôn bán, vận chuyển tê tê cũng được đưa lên mức cao nhất là phạt tù tới 15 năm và phạt tiền tới 15 tỷ đồng (đối với pháp nhân) và 2 tỷ đồng (đối với cá nhân)*.

*Theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)

ĐƯỜNG DÂY NÓNG BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ 18001522

VECOM.

 Tags:
Viết bình luận của bạn