Ngăn chặn buôn bán động, thực vật hoang dã qua môi trường mạng

Ngày đăng: 2019-08-12

Mạng Internet đã tạo ra một cuộc cách mạng trong phong cách sống của chúng ta, từ cách chúng ta giao tiếp đến cách chúng ta làm việc. Một số trang mạng xã hội như Facebook đóng vai trò kết nối các cá nhân, gia đình và các nhóm có mối quan tâm giống nhau bất kể họ ở đâu trên thế giới. Tiềm năng của các trang mạng xã hội – cũng như các phương tiện trung gian – đương nhiên không nằm ngoài sự chú ý của các nhóm tội phạm có tổ chức. Những phương tiện ban đầu được thiết kế để làm nền tảng kết nối mọi người đã bị lạm dụng để tổ chức, thực hiện các hoạt động trái phép như là buôn bán động, thực vật hoang dã.

Theo Trung Tâm Giáo Dục Thiên Nhiên (ENV), chỉ riêng trong năm 2018, có 800 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã trên Internet với 1200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm đã được ghi nhận. Các sai phạm chủ yếu là hành vi rao bán, quảng bá, hoặc lưu giữ trái phép các loài, hoặc bộ phận, sản phẩm từ động vật hoang dã. Trong số các trường hợp sai phạm này, có rất nhiều loài động vật đang nằm trong tình trạng nguy cấp, quý hiếm, cần được bảo vệ ở cấp độ cao theo quy định của pháp luật.

 

Việt Nam được biết là nơi tiêu thụ, trung chuyển trái phép động thực vật hoang dã qua môi trường mạng

(Ảnh: Trung Tâm Giáo dục Thiên Nhiên ENV)

 

Bên cạnh đó, một nghiên cứu của tổ chức quốc tế TRAFFIC cũng đã chỉ ra rằng, các hoạt động buôn bán trực tuyến động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam diễn ra nhiều hơn trên mạng xã hội. Các chuyên gia của TRAFFIC đã khảo sát 13 website đuôi .vn, với từ khóa được tìm kiếm là các sản phẩm từ voi, báo, tê tê, tê giác, và hổ. Tổng quan về kết quả khảo sát cho thấy có 30% trang web bán sản phẩm động vật hoang dã. Mặc dù chỉ có voi và hổ là sản phẩm từ động vật hoang dã duy nhất được tìm thấy, nhưng lại có tới hơn 1000 mặt hàng được tìm thấy rao bán. Đây quả thực là con số đáng báo động.

 

Vòng tay ngà voi được buôn bán trên trang thương mại điện tử (Ảnh: TRAFFIC)

 

Đối với Mạng Xã Hội, việc buôn bán trở nên khá rầm rộ, công khai, thậm chí là mang tính thách thức bởi các đối tượng có thể sử dụng tên ảo, số điện thoại và địa chỉ cũng được thay đổi thường xuyên, khiến cho việc phát hiện và ngăn chặn trở nên khó khăn.

Thương mại điện tử tại Việt Nam được quy định bởi pháp luật. Người vi phạm bị xử lý tương đương như vi phạm pháp luật trong kinh doanh thông thường. Tuy nhiên, thu thập bằng chứng và truy tố tội phạm trực tuyến gặp khó khăn và cần nhiều nỗ lực hơn.

 

Động vật quý hiếm được rao bán một cách rầm rộ (Ảnh: Báo Người Lao Động)

 

Theo ý kiến từ TRAFFIC, Chính phủ Việt Nam nên thích ứng và áp dụng các khung pháp lý hiện hành để đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả chống lại các hành vi bất hợp pháp liên quan đến các kênh thương mại trực tuyến, bao gồm nâng cao năng lực nhằm phát hiện và chống lại nạn buôn bán sản phẩm từ động, thực vật hoang dã qua mạng. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng cần xây dựng một đơn vị thực thi pháp luật chuyên về buôn bán động thực vật hoang dã qua mạng, vì việc kiểm soát thị trường qua mạng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn thị trường vật chất. Đồng thời, mỗi cá nhân người Việt khi sử dụng mạng cũng cần hành động hỗ trợ ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã trên mạng. Hãy cùng nhau chung tay bảo vệ động thưc vật hoang dã từ thiên nhiên.

Quy định xử phạt đối với hành vi quảng cáo kinh doanh ĐVHD

  • Theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 15 Nghị định 157/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 40/2015/NĐ-CP), hành vi quảng cáo kinh doanh về động vật rừng trái quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng
  • Đối với loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP; loài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES; loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP, do là mặt hàng cấm kinh doanh theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP, Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) nên việc quảng cáo các loài này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 70-100 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

VECOM.

 Tags:
Viết bình luận của bạn